24.1.12

Những trang văn tiếng Việt của Zac Herman


Cho đến nay, theo tôi biết đã có ba cây bút người nước ngoài viết tiếng Việt xuất hiện trên các báo Việt, một Canada - Joe Ruelle, hai Mỹ - Zac Herman và Brian Webb.
Cả ba đang sống và làm việc ở Hà Nội, đều là “du dân quốc tế lang thang giữa đời bao la” theo giọng tếu đặc hữu của Joe Ruelle (Dâu), cây bút một thời quen thuộc trên báo Lao Động Cuối tuần, có hẳn mục “Góc của Joe”. Tôi tìm đọc những người nói tiếng Anh viết tiếng Việt vì tôi là người Việt viết tiếng Anh.
Trong số “ba chàng ngự lâm” tiếng Việt, Joe và Brian viết báo, Zac viết văn. Joe đọc qua bản thảo tiểu thuyết của tôi, phán một câu: “Hay đấy, nhưng biên tập tiếng Anh nghiêm chỉnh phải mất từ ba đến sáu tháng, mà Joe lúc này kiếm đâu ra thời gian?”. Brian thì biên tập và cho đăng một truyện ngắn của tôi. Anh này làm với Literary Agents, những tổ chức chuyên biên tập và cung cấp bản thảo cho các nhà xuất bản Mỹ. Riêng Zac, gần một năm nay, viết được gì bằng tiếng Việt đều gửi tôi đọc, và dành thời gian sửa chữa, góp ý những gì tôi viết bằng tiếng Anh.

Nói ngay rằng tôi ngạc nhiên và bị thu hút bởi những trang văn tiếng Việt của Zac. Không như Joe vui nhộn kiểu Sắp 30 rồi, sắp “ế”, và Sắp hâm hâm giẫm phải mâm rồi, hay giỏi chơi chữ Như thế không thể gọi là nghiêm chỉnh, mà là sự nghiêm rất cần chỉnh..., Zac thì chú tâm làm văn chương bằng tiếng Việt. Đọc vài trích đoạn là có thể nhận ra chất văn trong câu chữ của Zac: Tôi đứng đấy dựa mình vào rào chắn bị mờ ngắm mãi ra màu đen rộng rãi. Những ngọn đèn đường quanh hồ bên kia tạo thành một ảo ảnh ấm áp. Nó đẹp hơn bên này. (Ai biết bay)

Hay: Tôi ngồi trên bậc cửa hút thuốc. Thường ngày tôi không hút thuốc, nhưng hôm nay trời lạnh đến mức khói cay trong phổi lại hun ấm như lửa trại. Đối diện nhà tôi có một quầy hàng nhỏ lợp mái thiếc bán gia vị. Không hiểu vì sao quầy hàng này thường xuyên đóng cửa, và vì sao nó khiến tôi tò mò. Tôi tưởng tượng một người ngồi đó, giữa lối ra vào, bán gia vị từ những lọ to lấm bụi đường. Tôi muốn hỏi người ấy một câu đơn giản như “làm gì đấy?” hoặc “bán gì đấy?” và chưa nghĩ được là sẽ hỏi thêm gì nữa, vì thực sự là chắc tôi sẽ không bao giờ có cơ hội hỏi gì cả. (Quầy bán gia vị)

Ban đầu, mục đích học tiếng Việt của Zac là để thấu hiểu “quê vợ” hơn và hiệu quả hơn trong công việc ở Việt Nam. Zac cho biết sau hai năm học tiếng Việt, đọc trôi chảy được sách Việt là vui lắm rồi, nhất là đọc thơ, và nhất nữa là thơ Xuân Quỳnh. Trước đây, Zac chưa bao giờ nghĩ đến chuyện viết văn bằng tiếng Việt. Nhưng rồi trong anh lớn dần nhu cầu chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc về cuộc sống ở Hà Nội. Và văn học theo anh là chiếc cầu vồng kết nối lộng lẫy nhất giữa các nền văn hóa, và cũng chân thực nhất.

Đôi khi tôi không hiểu vì sao Zac không làm thơ mà lại viết văn. Tôi đọc thấy niềm yêu thơ đặc biệt của Zac qua việc anh thu thập tư liệu chuẩn bị viết công trình nghiên cứu Phong trào Thơ mới Việt Nam 1932-1945. Anh dành hầu hết thời gian rỗi dịch những bài thơ Việt anh yêu thích sang Anh ngữ. Những nhà thơ anh đã dịch khá đa dạng như Thế Lữ, Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Xuân Quỳnh... Nhưng tôi đã không hỏi vì sao, vì thỉnh thoảng tôi vẫn thấy thơ trong văn của Zac: Các đám mây đang bay này đều là bông tôi hái trong một cánh đồng cạnh rừng... (Mây bông, thang sậy).

Những truyện ngắn rất ngắn của Zac hàm chứa chiều sâu “đối thoại” Tây-Đông: Tôi vừa dừng xe máy lại bên đường chưa kịp xuống xe, chưa bỏ mũ. Bỗng tôi nhìn thấy một người đàn ông không mặc áo đang bước đến, tay phải cầm một con gà lủng lẳng, tay trái cầm một cái lồng có khoảng bốn năm con gà con như những cục bông vàng đang chiêm chiếp.

“Anh có phải là xe ôm không?” - người ấy vừa hỏi vừa cười ranh mãnh.

Mất vài giây tôi nhìn chằm chằm vào hàm răng khè đầy chất nicôtin. Cuối cùng tôi trả lời là không, tất nhiên là không, vì tôi là người nước ngoài. Tôi bị bối rối với một câu hỏi mà đáng lẽ không cần hỏi có thể biết luôn.

Người lạ tiếp tục bước qua tôi, vừa cười vừa nói lẩm nhẩm. Đột nhiên xe máy tôi lún xuống vì một cái gì đó đè nặng và tôi nhận ra anh ta đã ngồi lên xe tôi với cả con gà và lồng nữa. Sau khi hiểu chuyện đùa đó, tôi đồng ý.

“Thôi được, tôi có thể đưa anh đến nơi cần đi, nhưng có phí thì anh chắc không hài lòng.”

Người ấy cười, nghiêng rất gần tôi rồi hỏi, “Phí gì đấy?”.

“Một con gà”.

(Xe máy và con gà trên đường Láng)

Và đôi khi tôi cảm giác phương Tây có phần nhường chỗ cho phương Đông trong cách quan sát, suy ngẫm và cả bút pháp của Zac. Trước nhận xét ấy của tôi, nhà văn trẻ người Mỹ này cho biết từ 14 tuổi anh đã tìm đến văn hóa phương Đông: “Năm ấy, giữa biết bao phim tại thư viện trung tâm thành phố, tôi lại chọn thuê một phim video tài liệu về Tây Tạng. Đến giờ tôi vẫn không hiểu điều gì khiến tôi có chọn lựa như vậy. Nhưng tôi hiểu phương Đông đã thu hút tôi, dẫn dắt tôi tự mình lang thang vào hệ thống triết học Ấn Độ, Trung Hoa, cho đến khi tôi có cơ hội nghiên cứu phương Đông một cách bài bản tại trường đại học. Nhưng phải sau một thời gian sống và làm việc ở Hà Nội, những tri thức sách vở của tôi mới có cơ hội chứng thực và trải nghiệm bản thân. Thời gian tôi trưởng thành là ở Mỹ, nhưng gần đây tôi thấy mình giống một “công dân quốc tế” hơn chỉ là một người Mỹ. Cho nên, nếu trong văn của tôi đâu đó có sắc màu phương Đông thì đó là điều tự nhiên, là dòng chảy từ bên trong.”

Sáng tác mới nhất của Zac Herman là một vở kịch “tối giản”, một nét đặc trưng của kịch truyền thống phương Đông:

THU ĐÃ ĐẾN CHƯA?

Khung cảnh:

Hà Nội, đầu thế kỷ XX. Một quán càphê vỉa hè kiểu Pháp.

Nhân vật:

Ông 1- Người Châu Âu. Đang ngồi tại bàn có hai cái ghế bằng sắt.

Ông 2- Người Châu Âu. Cặp dưới nách tờ “Le Monde” cuộn tròn.

Hai ông đều mặc com-lê. Nói, cư xử lịch sự quá. Dù cung cách có phần không tự nhiên lắm, thậm chí lúng túng, nhưng họ vẫn cố tỏ ra thân thiện.

(Màn kéo lên)

Ông 1: [Giữa sân khấu. Đang ngồi tại bàn, hút thuốc thoải mái, chậm rãi nhấp càphê].

Ông 2: [Từ cánh trái ra. Vừa thong thả bước vừa chú tâm tới Ông 1, ngập ngừng một lát có vẻ trầm tư. Rồi, với giọng pha niềm tiếc nuối sẽ làm phiền Ông 1, nói...].

Ông 2: Xin làm phiền ông...

Ông 1: Xin ông cứ nói.

Ông 2: Làm ơn cho tôi hỏi...

Ông 1: Mời hỏi, mời hỏi. Xin tự nhiên...

Ông 2: Hơi ngớ ngẩn một chút...

Ông 1: Thưa ông, không thể thế được.

Ông 2: Vậy tôi sẽ...

Ông 1: Cứ hỏi thoải mái.

Ông 2: [Dừng lại vài giây] Thu đã đến chưa?

Ông 1: Chưa đến, chưa đến.

Ông 2: [Ngập ngừng] Ông có...?

Ông 1: Chắc chứ, chắc chứ.

Ông 2: [Ngập ngừng, vẻ băn khoăn, rồi đột ngột ngồi trên ghế đối diện Ông 1, không xin phép trước, như thể tin này đã khiến cho ông quên hết nghi thức của mình, sau đó lại thất vọng].
Tôi hiểu rồi.

Ông 1: [Đổi đề tài] Thế vẫn còn...

Ông 2: Mùa hè Hà Nội.

Ông 1: [Gật đầu] Chính xác.

Ông 2: Ông có nhớ...?

Ông 1: Là...?

Ông 2: Vâng, tôi nghĩ thế.

Ông 1: Hồi đó chúng ta có...?

Ông 2: Hồi đó nó đã...?

Ông 1: Thực sự là có.

Ông 2: [Kéo ra một chiếc khăn tay, lau rán]. Mùa hè...

Ông 1: [Gật đầu] Vâng, mùa hè.

Ông 2: Thật là...

Ông 1: [Vẫn gật đầu] Đúng đấy.

Ông 2: [Nhìn vào quầy] Em ơi! Một càphê đen.

[Quay lại Ông 1] Vâng, tôi vừa nói...

Ông 1: Ông vừa nói...

Ông 2: Ừ, nhớ rồi... [Ngập ngừng] Thu đã đến chưa nhỉ?

(Màn bắt đầu hạ xuống)

Ông 1: [Ngập ngừng hai ba giây như suy nghĩ, rồi có cử chỉ như sắp trả lời]

(Màn từ từ hạ xuống)

Ông 1: [Không kịp trả lời trước khi màn hạ xuống hẳn].
Có thể là quá sớm để đưa ra những bình luận về sáng tác của Zac Herman, nhưng những gì nhà văn trẻ người Mỹ đang thao tác trên con chữ Việt vẫn khiến nhiều bạn đọc Việt xúc động. Zac thì còn đơn giản hơn, trong thư cho tôi anh viết: Văn học Việt Nam tự nó đã là một thành tựu lớn, niềm hạnh phúc của tôi khi có tác phẩm mới xuất hiện trên mặt báo Việt là một minh chứng.
BÀI: Vĩnh Quyền - Ký họa: Hoàng Đặng

No comments:

Post a Comment